Hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC giúp người dùng dễ dàng di chuyển xuống dốc mà không cần đạp phanh. Tính năng này giúp người dùng dễ dàng kiểm soát tốc độ, nhằm mang đến sự an toàn tối đa khi xuống dốc!
Có đôi khi bạn sẽ phải di chuyển trên những cung đường có đèo dốc cao. Điều này đòi hỏi người lái cần phải có kinh nghiệm và kỹ thuật trong việc xử lý sang số và kiểm soát phanh thuần thục để đảm bảo tính an toàn. Để hỗ trợ người lái trong trường hợp này, các nhà sản xuất đã nghiên cứu và ứng dụng hệ thống Hill Descent Control (HDC).
Vậy hệ thống an toàn ô tô hỗ trợ xuống dốc HDC là gì? Nó có tác dụng và nguyên lý hoạt động ra sao? Cách sử dụng hệ thống thế nào cho đúng?… Tất cả những câu hỏi liên quan đến hệ thống HDC sẽ được chúng tôi giải đáp trong bài viết sau đây. Hãy cùng theo dõi nhé!
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo là gì?
Hệ thống này cũng thường được gọi với cái tên hỗ trợ xuống dốc, có tên tiếng anh đầy đủ là Hill Descent Control. Hệ thống giúp hỗ trợ người lái trong trường hợp xuống đèo dốc, trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, đường trơn trượt…
Hệ thống hỗ trợ xuống dốc giúp kiểm soát tốc độ của xe di chuyển xuống đèo dốc, giúp gia tăng tính an toàn và hạn chế tình trạng mất phanh do má phanh nóng và dầu phanh sinh ra các bọt khí khi người lái phải thường xuyên rà chân phanh, khiến phanh xe bị bó cứng không hoạt động (1).
1. Nguyên lý hoạt động của HDC
Khi hệ thống hỗ trợ đổ đèo – xuống dốc HDC hoạt động sẽ kết hợp cùng với các hệ thống như phanh ABS, kiểm soát lực kéo TRC và momen động cơ để điều chỉnh tốc độ của từng bánh xe, nhằm loại bỏ tình trạng xe bị trượt khi xuống dốc.
Khi xe di chuyển xuống dốc, cảm biến hoặc con quay hồi chuyển sẽ hoạt động để phát hiện ra góc nghiêng của xe. Lúc này, hệ thống HDC sẽ được kích hoạt. Dữ liệu thu thập được sẽ được xử lý bởi ECU điều khiển trung tâm, nhằm kiểm soát hoạt động của ly hợp, hệ thống phanh và phân bổ lực momen xoắn của động cơ đến các bánh xe.
Qua đó, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh tốc độ của xe sao cho phù hợp với độ nghiêng của dốc, giúp người lái không cần phải đạp phanh.
2. Cấu tạo của hệ thống đổ đèo HDC
Gần giống như cấu tạo của hệ thống khởi hành ngang dốc HAC (hay còn gọi là HSA), chúng là tổ hợp của nhiều cơ cấu tạo thành một tổ hợp vận hành kết hợp lẫn nhau bao gồm:
- Cảm biến đo độ nghiêng xe: dùng để gửi tín hiệu về ECU để báo cáo và tính toán độ nghiêng của xe.
- Cảm biến chuyển động bánh xe: gửi tín hiệu vòng quay bánh xe về cho ECU.
- Cảm biến áp suất giảm chấn: gửi tín hiệu áp suất giảm chấn của hệ thống treo về ECU, để tính toán phù hợp cho trọng lượng xe.
- Bộ điều khiển áp suất dầu phanh: nhận lệnh từ ECU điều khiển phanh.
- Bộ ly hợp (đối với xe số sàn): gửi tín hiệu về ECU khi đạp bàn ly hợp để xác định thời điểm kích hoạt phanh.
- Kiểm soát momen xoắn: Kiểm soát lực kéo trên bánh xe để xe không bị trôi, và tự động ngắt khi xe tăng tốc.
- Bộ ECU: Tính toán độ nghiêng, phát hiện khả năng tuột dốc của xe để điều khiển các cơ cấu phanh, momen xoắn…
3. Tác dụng của hệ thống hỗ trợ đổ đèo
Hệ thống hỗ trợ xuống dốc HDC không phải là trang bị an toàn tiêu chuẩn, nhưng nó thực sự cần thiết, đặc biệt là đối với những xe sử dụng hệ dẫn động bốn bánh. Hệ thống sẽ giúp kiểm soát độ bám đường hiệu quả khi xe di chuyển xuống dốc.
Với tính năng này, người lái không cần phải đạp chân ga hay điều chỉnh cấp số sao cho phù hợp. Điều này giúp người lái dễ dàng di chuyển xe xuống dốc một cách dễ dàng và an toàn. Nó thực sự phù hợp đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe.
Quan trọng hơn hết, hệ thống HDC còn giúp hạn chế tình trạng bị mất phanh do người lái thường xuyên phải rà phanh hãm tốc độ. Từ đó hạn chế các rủi ro lao dốc đột ngột và mất lái, hạn chế những tình huống nguy hiểm khi di chuyển đường đèo dốc.
4. Một số dòng xe ứng dụng
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo xuống dốc là trang bị an toàn chưa được áp dụng nhiều trên những dòng xe sedan và các dòng xe phổ thông giá rẻ. Chúng ta chỉ thường thấy chúng trên những dòng xe SUV và các dòng xe cao cấp.
Một số nhà sản xuất có thể sẽ trang bị thêm hệ thống này cho các phiên bản xe khác nhau như một tùy chọn. Khách hàng có thể lựa chọn thêm tính năng này hoặc không.
Một số dòng xe ứng dụng công nghệ này ở thời điểm hiện tại có thể kể đến như:
- Kia: Sportage, Telluride, Seltos (có tên gọi là kiểm soát phanh xuống dốc).
- Hyundai: Tucson, SantaFe, Kona, Palisade (có tên gọi là kiểm soát phanh xuống dốc.
- Nissan: Frontier, Pathfinder, Titan
- Ford: Expedition, Explorer, F-150, Super Duty
- Lexus : GX, LX
Hướng dẫn sử dụng chức năng hỗ trợ đổ đèo
Có thể chiếc xe của bạn được trang bị tính năng hỗ trợ xuống dốc, nhưng do ít hoặc không sử dụng đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối.
Do đó, việc nắm rõ cách thức hoạt động của hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều khiển xe. Qua đó gia tăng sự an toàn khi lái xe trong điều kiện đường nhiều đèo dốc.
1. Lựa chọn HDC
HDC có thể được kích hoạt khi người lái chạy tốc độ dưới 60km/h. Để kích hoạt hệ thống, hãy nhấn vào công tắc bật/tắt HDC.
Công tắc HDC sẽ sáng liên tục ở dải tốc độ dưới 40km/h để chỉ HDC đã được kích hoạt. Nếu như bạn chạy quá tốc độ 60km/h, hệ thống sẽ không làm việc và đèn báo HDC sẽ tắt.
2. Cách hoạt động của hỗ trợ đổ đèo
Người dùng có thể cài đặt tốc độ đổ dốc bằng công tắc bánh lái điều khiển tốc độ: SET +/- (tăng/giảm). Để tăng tốc độ bạn nhấn và giữ SET + cho đến khi đạt tốc độ đổ dốc mong muốn. Để giảm tốc độ, nhấn và giữ SET – cho đến khi đạt tốc độ mong muốn.
Để tăng/giảm tốc độ từ từ, bạn gõ SET +/-. Mỗi lần gõ nhẹ công tắc sẽ tăng hoặc giảm tốc độ là 0.5km/h.
Tốc độ này cũng có thể được tăng hoặc giảm thông qua việc nhấn bàn đạp ga hoặc phanh.
Lưu ý: Tốc độ đổ dốc chỉ có thể tăng trong đoạn đường đủ dốc để gia tăng momen. Bởi vậy nên, việc sử dụng công tăng SET + có thể không tăng được tốc độ.
3. Điều khiển HDC
Để bật/tắt hệ thống hỗ trợ đổ đèo, bạn nhấn nút bám trên bảng điều khiển cạnh cần số. Nếu như thấy đèn LED HDC sáng có nghĩa rằng hệ thống đang hoạt động, còn đèn tắt nghĩa là hệ thống đã tắt.
Đa số các hãng xe đều sẽ giới hạn tốc độ cho phép của hệ thống HDC dưới ngưỡng 30km/h hoặc 10km/h. Khi vượt quá ngưỡng tốc độ cài đặt này, HDC sẽ tự ngừng hoạt động.
Hệ thống cũng sẽ ngừng hoạt động khi người lái đạp ga hoặc khi xe đã di chuyển trên cung đường bằng phẳng.
Trong một vài trường hợp khi lái xe đã di chuyển qua đoạn đường đèo dốc dài trước khi sử dụng HDC, má phanh sẽ bị nóng. Lúc này, hệ thống sẽ không khởi động mà phải chờ phanh nguội.
Khi chạy trên những đoạn đường gồ ghề, HDC có thể được kích hoạt, nhưng nó chỉ cung cấp hỗ trợ khi tham số tốc độ phù hợp.
Tìm hiểu thêm về hệ thống giữ phanh tự động chi tiết
Hệ thống HDC có cần thiết không?
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC được kích hoạt sẽ duy trì tốc độ đã định trước, chúng thường được kích hoạt bằng cách nhấn nút hoặc gạt cần chuyển đổi. Khi hệ thống được kích hoạt, người lái không cần phải phanh hay lo lắng về việc chuyển số nào cho phù hợp. Việc duy nhất cần phải làm là tập trung vào vô lăng.
Tình huống tương tự với những xe sử dụng hệ dẫn động bốn bánh và di chuyển xe ở cấp số thấp. Nếu như không có hệ thống hỗ trợ xuống dốc, tài xế cần phải xác định cấp số và mức độ chân ga phù hợp để kiểm soát tốc độ của xe tốt hơn. Việc di chuyển ở những cấp số không phù hợp, hay phanh đột ngột quá mức sẽ có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm.
Ngày nay, có rất nhiều dòng xe phổ thông đã được trang bị hệ thống đổ dốc. Nhưng hệ thống này chỉ thực sự mang đến giá trị khi thường xuyên di chuyển ở những đoạn đường đèo dốc. Còn nếu như bạn ít khi đi qua những đoạn đường có đèo dốc, thì có hay không có hệ thống HDC cũng không quan trọng.
Dù mang đến nhiều lợi ích như kiểm soát tốc độ của xe khi xuống dốc, góp phần mang đến sự thoải mái, tự tin và an toàn cho người lái, nhưng trên thực tế nhiều lái mới thường quên sử dụng hoặc chưa biết cách sử dụng hệ thống này. Do đó, việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hệ thống là điều không được bỏ qua.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về hệ thống hỗ trợ đổ đèo HDC mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích dành cho bản thân.
Nếu các bạn cần tư vấn thêm về tình trạng xe của bạn, có thể liên hệ trực tiếp với 911 chúng tôi để nhận hỗ trợ miễn phí! Chúc các bạn lái xe an toàn!